Chào bạn!
Bệnh vẩy nến là một bệnh ngoài da mạn tính và hoàn toàn không lây nhiễm như nhiều người lầm tưởng. Người ta thấy rằng, có khoảng 1 – 3% dân số thế giới mắc bệnh này và người da trắng thường có tỷ lệ mắc nhiều hơn người da màu ở mọi độ tuổi, nhưng thường thấy từ tuổi lên 2 cho đến 40. Dù được đầu tư nghiên cứu nhưng nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được sáng tỏ.
Nhiều nghiên cứu cho rằng, bệnh liên quan rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền. Ngoài ra, một số yếu tố ngoại sinh khiến bệnh nặng thêm như stress, nghiện bia rượu, thuốc lá, nhiễm trùng, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, khí hậu, môi trường…
Các nhà nghiên cứu chia bệnh vẩy nến thành 2 thể chính: Thể thông thường và thể đặc biệt. Ở thể thông thường, có các thể như: Thể giọt, thể đồng tiền, thể mảng, vảy nến ở đầu, vẩy nến đảo ngược… Thể đặc biệt ít gặp hơn nhưng khó điều trị hơn. Đó là các thể: Vảy nến thể mủ, vẩy nến thể móng khớp, vẩy nến thể đỏ toàn thân.
Về điều trị, chưa có phương pháp nào đặc hiệu để điều trị khỏi hoàn toàn căn bệnh này. Hầu hết chỉ định điều trị chỉ làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên, những năm gần đây, có nhiều loại thuốc mới được áp dụng để điều trị toàn thân và tại chỗ có tác dụng tốt, bệnh ổn định lâu dài. Trong điều trị bệnh vẩy nến, một điều rất quan trọng là người mắc không được tự ý sử dụng thuốc hoặc ngưng thuốc khi thấy triệu chứng giảm. Cần tuân thủ tuyệt đối chế độ điều trị theo từng giai đoạn bệnh.
Khi mắc bệnh vẩy nến, cách giúp giảm bệnh hiệu quả được các chuyên gia da liễu khuyên dùng là bôi thuốc dưỡng ẩm làm mềm da. Tắm mỗi ngày để loại bỏ vẩy bám trên da. Không tắm nước quá nóng, xà phòng quá mạnh làm da thêm khô ngứa. Ngay sau khi tắm xong, cần thoa kem làm ẩm da.
Đối với bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến ở vùng da đầu, không nên sử dụng dầu gội thông thường. Hiện nay, có nhiều chế phẩm dầu gội chuyên biệt dành cho người mắc bệnh này. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ da liễu điều trị về loại dầu phù hợp nhất đối với tình trạng da của bạn.
Chúc bạn sức khỏe!
Chuyên gia da liễu