Vẩy nến khiến làn da người bệnh bị sần sùi, ngứa đỏ, bong tróc... Bệnh tác động xấu đến thẩm mỹ, tâm lý và những hệ lụy khác.
Trong chương trình “Sức khỏe cho mọi người” (phát trên sóng VTV2), PGS.TS Phạm Văn Hiển cho biết: Vẩy nến là bệnh tự miễn điển hình với các tổn thương ngoài da, không lây lan hay nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, vẩy nến không những khiến sức khỏe người bệnh ít nhiều suy giảm mà còn ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống. Bệnh chiếm 2-3% dân số trên thế giới và được chia làm nhiều vẩy nến thể khác nhau như: vẩy nến thể giọt, vẩy nến thể mảng, vẩy nến thể đỏ da toàn thân,... Tổn thương vẩy nến thường là các đám mảng đỏ kích thước khác nhau có vẩy màu trắng đục, dễ cạo, dễ bong xuất hiện đầu tiên ở vùng da đầu và vùng bị tỳ đè (khuỷu tay, đầu gối,…). Người bệnh thấy ngứa hoặc cảm giác vướng víu, dễ dẫn tới tâm lý tự ti, ngại giao tiếp,...
Ảnh minh họa
Hiện chưa có biện pháp điều trị triệt để vẩy nến mà chỉ giúp giảm triệu chứng bệnh. Các biện pháp được sử dụng bao gồm:
- Thuốc uống: thường là các thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch như: methotrexat, cyclosporine, hydroxyurea,...
- Thuốc bôi: các thuốc giúp lột sừng, tiêu sừng như: axit salicylic, vitamin A, vitamin D3,… có thể phối hợp các hoạt chất trên với nhóm thuốc corticoid giúp thuyên giảm nhanh triệu chứng ngứa, đỏ, tuy nhiên, dùng lâu sẽ gây nhiều tác dụng phụ như teo da, rậm lông, nổi mụn, đỏ da, tăng nguy cơ bội nhiễm hoặc làm nặng tình trạng bệnh...
- Quang hoá liệu pháp: phương pháp này dùng cho bệnh nhân bị vẩy nến dai dẳng hoặc người có diện tích da mắc bệnh lớn. Tuy nhiên, người có tiền căn nhạy cảm ánh sáng, có các bệnh gắn liền với nguy cơ ung thư da, lupus ban đỏ, trẻ em dưới 12 tuổi đều không được chỉ định.
Bệnh nhân mắc vẩy nến cần lưu ý, việc tuân thủ phác đồ điều trị vẩy nến giữ vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh tiếp xúc với tia cực tím, áp dụng các biện pháp bảo vệ da, hạn chế uống chất kích thích (rượu, bia,...), thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý,...
Hà Thanh