Mày đay là một loại dị ứng ngoài da. Theo y học cổ truyền, bệnh thường do phong thấp xâm nhập vào da thịt hoặc trường vị đang có uất nhiệt lại cảm phải phong tà, tà khí tích lại ở da, lông gây ra bệnh mày đay. Nguyên nhân chủ yếu là do phong hàn (bên ngoài) hợp với huyết nhiệt (bên trong) và một số thức ăn không thích hợp với cơ thể như tôm, cá... gây ra.
YHCT chia mày đay ra thành nhiều thể khác nhau, dựa trên cơ chế sinh bệnh để điều trị với các bài thuốc hợp:
1. Do phong nhiệt: Mày đay màu hồng tươi, miệng khát, mặt có lúc bốc nóng, nước tiểu vàng, táo bón, gặp lạnh thì dễ chịu, rêu lưỡi vàng, mạch phù sác.
Điều trị: Sơ phong thanh nhiệt.
Dùng bài Ngân kiều tán gia giảm: Ngân hoa, liên kiều, sinh địa 12g, ngưu bàng tử (sao), đại thanh diệp, đơn bì đều 10g, kinh giới, phong phong, cam thảo, thuyền thoái đều 6g. Sắc uống ngày 1 thang, uống 7 ngày liền.
Hoặc dùng bài: kinh giới, phòng phong, khổ sâm đều 10g, kim ngân hoa, sinh địa, đương qui đều 12g, thuyền thoái 3g, cam thảo 4g, bạc hà 10g, mộc thông 8g. Sắc uống ngày 1 thang, uống 7 ngày.
2. Do phong hàn: Mày đay nổi lên từng đám trắng nhạt, gặp gió lạnh bệnh phát ngứa ngáy, không đau nhức: Dùng bài Ma hoàng thang gia giảm: Ma hoàng (nướng), quế chi đều 6g, bạch thược (sao), hạnh nhân, khương hoạt, đảng sâm, tô diệp đều 10g, đại táo 7 quả, gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang, uống 7 ngày liền.
Dùng kinh giới, phòng phong, bạch chỉ, sài hồ đều 10g, thuyền thoái 3g, kim ngân hoa, đương quy đều 12g, mộc thông, xa tiền tử, khương hoạt đều 8g, cam thảo 4g, đại táo 10 quả.
3. Do phong thấp: Mày đay màu trắng hoặc hơi hồng, thân thể nặng nề, nước tiểu trong hoặc hơi đục, rêu lưỡi trắng, nhờn và dầy. Dùng bài Phòng phong thang: kinh giới, phòng phong đều 6g, thuyền thoái 10g, khổ sâm, thạch cao (sống) đều 30g, tri mẫu, đơn bì đều 10g, xích thược, thổ phục linh, địa phu tử đều 15g. Sắc uống ngày 1 thang, uống 7 ngày liền.
Nguồn: Sức khỏe, đời sống